Cách làm bánh Trung Thu cho người tiểu đường và người ăn kiêng tốt cho sức khỏe

Người tiểu đường và người ăn kiêng có chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt để kiểm soát các chỉ số sức khỏe. Do đó, bánh Trung Thu dành riêng cho đối tượng này cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về công thức và nguyên liệu tốt cho sức khỏe. Hãy cùng VinID tìm hiểu cách ăn khoa học, cách thực hiện và địa chỉ mua bánh Trung Thu cho người tiểu đường và người ăn kiêng qua bài viết sau nhé.

banh-trung-thu
Bánh Trung Thu cho người tiểu đường & ăn kiêng được làm từ công thức & nguyên liệu tốt cho sức khỏe.

Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, tùy thành phần mà một chiếc bánh Trung Thu có thể chứa từ 500 – 700 calo.

Cụ thể, một chiếc bánh Trung Thu nhân đậu xanh nặng 176g sẽ chứa đến 27,5g chất béo, 19,5g chất đạm, 80,6g đường. Lượng bột trong một chiếc bánh có thể bằng lượng bột trong 1 – 2 chén cơm; lượng chất béo gấp 1 – 2 lần lượng chất béo trong một tô phở bò. Lượng đường mà bánh cung cấp cũng thuộc loại đường có khả năng hấp thu nhanh nên có thể khiến đường huyết tăng lên đột ngột. Do đó, những người ở giai đoạn tiền tiểu đường, mắc bệnh tiểu đường hoặc đang ăn kiêng nên cẩn trọng khi dùng bánh để tránh tình trạng béo phì, rối loạn đường huyết… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngoài ra, nếu biết áp dụng cách ăn đúng đắn, khoa học thì có thể hoàn toàn kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe khi ăn bánh Trung Thu. Một số lưu ý ăn đúng cách như sau:

  • Trừ đi phần tinh bột tương ứng: Khi đã ăn bánh Trung Thu thì nên cắt bớt khẩu phần cơm, do nửa chiếc bánh Trung Thu đã tương ứng với 1 chén cơm có kèm thức ăn.
  • Thêm rau xanh vào thực đơn: Rau có chứa chất xơ giúp ngăn ngừa đường huyết tăng nhanh sau khi ăn.
  • Tăng cường rèn luyện: Sau khi ăn bánh, bạn hãy tập thể dục để tiêu bớt lượng năng lượng dồi dào vừa hấp thu.
  • Ăn có chừng mực: Bạn nên ăn phần bánh nhỏ, dùng kèm trà để giúp tiêu hóa tốt hơn và ngăn ngừa chất béo tích tụ. Không nên dùng nhiều bánh cùng một lúc.
  • Lựa chọn các loại bánh Trung Thu tiểu đường và người ăn kiêng có thể sử dụng.
rau-cu-qua
Nên thêm rau xanh vào thực đơn.

2. Các loại bánh Trung Thu cho người tiểu đường và ăn kiêng

Một số loại bánh Trung Thu thích hợp cho người tiểu đường và ăn kiêng:

  • Bánh Trung Thu nhân hạt dẻ: Hạt dẻ có chỉ số đường huyết (GI) thấp, chứa nhiều chất xơ giúp ổn định và kiểm soát, làm chậm quá trình tăng đường huyết.
  • Bánh Trung Thu nhân khoai lang tím: Khoai lang tím có hàm lượng GI vô cùng thấp, thấp hơn cả khoai lang ruột cam thông thường; có chứa anthocyanin – giúp cải thiện tình trạng kháng insulin ở người bệnh tiểu đường. Cho nên, khoai lang tím là loại thực phẩm được khuyên dùng cho người mắc đái tháo đường. 
  • Bánh Trung Thu nhân mè đen: Magnesium trong mè đen có tác động tích cực đến sức khỏe những người mắc bệnh tiểu đường, giúp điều hòa lượng glucose và insulin. Ngoài ra, phytosterol trong mè đen làm giảm cholesterol, giúp tránh tình trạng thừa cân.
  • Bánh Trung Thu vỏ trà xanh: Trà xanh có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh tiểu đường bằng cách giảm mức đường huyết và insulin lúc đói. Polyphenol và polysaccharide trong trà xanh có tác dụng chống oxy hóa, giảm cholesterol xấu và ổn định huyết áp. Do đó, bánh vỏ trà xanh còn là loại bánh Trung Thu giảm cân.

Một số thương hiệu bánh Trung Thu chất lượng, uy tín, có sản phẩm dành riêng cho người tiểu đường và ăn kiêng: Brodard, Givral, Như Lan, Đồng Khánh, Đại Phát, Kinh Đô…

banh-trung-thu-nhan-toi-den-givral-cho-nguoi-bi-tieu-duong
Bánh Trung Thu nhân tỏi đen Givral cho người bị tiểu đường.

3. Cách làm bánh Trung Thu ít ngọt

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu làm vỏ bánh

  • Bột mì: 150g
  • Bột trà xanh: 10g (nếu làm vỏ bánh trà xanh)
  • Nước đường: 45ml
  • Sữa tươi không đường: 30ml

Nguyên liệu làm nhân

  • Nhân hạt dẻ
    • Hạt dẻ đã rang, xay nhuyễn: 120g
    • Dầu hạt nho: 44ml
  • Nhân khoai lang tím
    • Khoai lang tím: 1kg
    • Đường: 100g
    • Mạch nha: 1 muỗng
    • Dầu ăn: 100g
    • Bột gạo nếp rang chín: 50 – 70g
  • Nhân mè đen
    • Đậu đỏ: 150g
    • Mè đen: 80g
    • Đường trắng: 75g
    • Muối: một ít
    • Lòng đỏ trứng vịt muối: 5 lòng đỏ
    • Rượu trắng: 30ml
    • Gừng: nửa củ

Lưu ý: Nên sử dụng đường dành riêng cho người tiểu đường và ăn kiêng để làm bánh:

  • Đường Isomalt: là loại đường làm từ củ cải đường, có độ ngọt chỉ bằng ½ đường hóa học và lượng calo rất thấp, chỉ 2 calo/g.
  • Đường Maltitol: có độ ngọt bằng 90% so với đường cát, lượng calo cũng ít hơn. Đường có độ hấp thu chậm, do đó không làm lượng đường huyết tăng lên đột ngột.
  • Đường Xylitol: được làm từ cây sồi xanh, ngọt như đường bình thường nhưng lại có lượng calo rất thấp, ít tác động đến đường huyết.
duong-an-kieng-isomalt
Đường ăn kiêng Isomalt.

3.2. Làm vỏ bánh

  • Nếu làm vỏ bánh trà xanh, trộn đều bột mì và bột trà xanh. Nếu làm vỏ bánh truyền thống thì không cần bước này.
  • Thêm sữa tươi không đường, nước đường vào bột, trộn đều.
  • Bọc phần bột lại bằng màng bọc thực phẩm, cho bột nghỉ khoảng 30 phút.
  • Chia bột thành 5 phần bằng nhau.
  • Vê tròn rồi cán mỏng từng phần bột.
  • Cho nhân bánh vào giữa miếng bột.
  • Kéo, miết cho vỏ bao sát lấy nhân, không còn khoảng hở. Nếu phần vỏ có hơi phồng thì lấy tăm chọc cho thoát khí giữa nhân và vỏ rồi miết liền phần vỏ lại.
  • Ấn bánh vào khuôn cho khít đều để tạo hình và in hoa văn lên bánh.
  • Xếp bánh vào khay có lót sẵn giấy nến rồi nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 8 – 10 phút.
banh-trung-thu-vo-tra-xanh
Bánh Trung Thu vỏ trà xanh.

3.3. Làm nhân bánh

  • Nhân hạt dẻ

    • Trộn dầu hạt nho với hạt dẻ đã nghiền cho thật mịn.
    • Chia hỗn hợp nhân thành 5 phần bằng nhau, vê thành viên tròn.
  • Nhân khoai lang tím

    • Rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoai lang tím thành từng khoanh rồi luộc đến khi chín mềm.
    • Xay khoai cho nhuyễn mịn bằng máy xay sinh tố rồi lọc qua rây.
    • Cho khoai và đường vào chảo, sên với lửa nhỏ khoảng 20 phút cho sệt lại. Khi sên nên đảo đều để tránh khét.
    • Khi nhân đã gần được, cho thêm mạch nha vào, tiếp tục đảo đều đến khi hỗn hợp đặc lại.
    • Cho dầu ăn vào từng muỗng một, tiếp tục sên. Có thể giảm lượng dầu ăn lại để giảm hàm lượng chất béo cho bánh.
    • Khi hỗn hợp đã đặc sệt, cho bột gạo nếp rang chín vào sên thêm khoảng 5 – 10 phút. Khi vê thành viên tròn, nhân không dính tay là đạt.
    • Chia hỗn hợp thành 5 phần bằng nhau, vê viên tròn.
  • Nhân mè đen

    • Ngâm lòng đỏ trứng vịt muối trong rượu trắng, gừng giã nhuyễn.
    • Rửa sạch, ngâm đậu đỏ trong vài tiếng rồi nấu chín.
    • Xay nhuyễn đậu đỏ, mè đen, đường trắng bằng máy xay sinh tố.
    • Cho ít dầu ăn vào chảo để sên nhân.
    • Khi nhân hơi sệt lại, cho thêm 1 chút muối vào rồi sên đến khi mịn, dẻo thì bắc xuống, để nguội.
    • Vớt trứng vịt muối ra, đem nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong 5 phút.
    • Chia nhân mè đen thành 5 phần bằng nhau, vê thành viên tròn.
    • Ấn dẹt nhân mè đen, đặt trứng muối vào giữa rồi bao lại bằng nhân mè đen cho khít.
banh-trung-thu-nhan-me-den
Bánh Trung Thu nhân mè đen.

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thể chế biến được các loại bánh Trung Thu cho người tiểu đường và ăn kiêng vừa ngon, vừa đảm bảo sức khỏe. Đồng thời, biết cách ăn bánh Trung Thu một cách khoa học nhằm ổn định chỉ số đường huyết. Đừng quên, tải ngay app VinID để đặt mua các loại bánh Trung Thu cho người ăn kiêng và người bệnh đái tháo đường từ các thương hiệu lớn và uy tín nhé.

MUA BÁNH TRUNG THU ONLINE

Bạn cần hỗ trợ?